Dân cư Bát_Kỳ

Tộc duệ

Trên cơ bản, Bát kỳ chia làm 3 tộc phân chính là Mãn Châu Bát kỳ, Mông Cổ Bát kỳ và Hán Quân Bát kỳ, nhưng cụ thể mà nói thì rất phức tạp. Tộc duệ của Bát kỳ lấy Mãn Châu làm trung tâm, bộ phận chinh là Mông Cổ và Hán Quân, ngoài ra còn có Cao Ly, Sách Luân, Tích Bá, HồiNga La Tư.

Những người vốn là người Hán (hay còn gọi là Ni Kham trong tiếng Mãn), một phần được phân vào Hán Quân Bát kỳ, một phần khác lại được phân vào Nội vụ phủ Kỳ cổ Tá lĩnh, một bộ phận nhỏ khác lại được phân vào Mãn Châu Bát kỳ[41].

Những người vốn là người Mông Cổ, chủ yếu được phân vào Mông Cổ Bát kỳ, một bộ phận nhỏ được phân vào Mãn Châu Bát kỳ[42], một bộ phận cực nhỏ khác từng làm quan thời Minh thì được phân vào Hán Quân Bát kỳ[43].

Những người vốn là người Cao Ly, một phần nhỏ được phân vào Kỳ phân Tá lĩnh của Mãn Châu Bát kỳ, còn phần lớn đều phân vào tầng lớp Bao y dưới Nội vụ phủ Cao Ly Tá lĩnh[44][45].

Còn những tộc người như Tích Bá, Sách Luân, chủ yếu là vào những năm Thiên Thông, Sùng Đức, theo quân Hậu Kim chinh chiến, sau lại theo quân Thanh nhập quan mà được phân vào Mãn Châu Bao y[note 9] của Bát kỳ.

Những người Hồi phần lớn đều là người thuộc Hòa Trác thị đến Kinh sư vào những năm Càn Long[46].

Những người Nga như A Nhĩ Ba Tân quy phụ Đại Thanh vào những năm Thuận Trị, Khang Hi, được phân vào "Tương Hoàng kỳ Mãn Châu đệ tứ Tham lĩnh đệ thập thất Tá lĩnh", tục xưng "Nga La Tư Tá lĩnh"[47].

Nga La Tư Tá lĩnh

Năm Khang Hi thứ 24 (1685), sau thất bại tại cuộc chiến Nhã Khắc Tát, quân đội Sa Hoàng xâm lược có 101 người bị áp giải đến Bắc Kinh. Trong thời Khang Hi, tiêu chuẩn định ngạch của Bát kỳ Mãn Châu Tá lĩnh là 100 người. Mà những người Nga được đưa tới Bắc Kinh này, vừa vặn đủ điều kiện.

Năm 1685, triều đình nhà Thanh chính thức ban bố mệnh lệnh, đám người A Nhĩ Ba Tân này được phân vào quân bảo vệ Kinh kỳ của Tương Hoàng kỳ, thuộc vào "Tương Hoàng kỳ Mãn Châu đệ tứ Tham lĩnh đệ thập thất Tá lĩnh", đóng quân ở ngõ nhỏ Hồ Gia Viên bên ngoài Đông Trực môn.

Không chỉ vậy, triều nhà Thanh còn ban chức quan từ Tứ phẩm đến Thất phẩm cho các quân quan bị bắt làm tù binh này, đồng thời đãi ngộ không hề khác biệt so với người Mãn, ban cho họ phòng ốc, đất đai, lại định kỳ phát tiền trợ cấp, hơn nữa còn đem những nữ phạm nhân trong Nha môn Bộ quân Thống lĩnh ban cho những người này làm thê thiếp.

Cao Ly Tá lĩnh

Thời Minh mạt Thanh sơ, một bộ phận người Triều Tiên bị cưỡng ép hoặc tự nguyện mà dời đến vùng Đông Bắc của Trung Quốc, những người bị cưỡng ép chủ yếu là tù binh bị bắt giữ trong các cuộc chiến. Những người này, có một bộ phận được phân vào Bát kỳ.

Theo《Bát kỳ thông chí · Kỳ phân chỉ》 cùng với 《Thanh triều thông chí》, 《Thanh hội điển》, dòng họ Triều Tiên không chỉ tồn tại trong Mãn Châu Bát kỳ mà còn có chuyên chúc Tá lĩnh, như đệ cửu, thập Tá lĩnh của Chính Hoàng kỳ đệ tứ Tham lĩnh, đệ thập nhị, thập tam, thập tứ, thập ngũ Tá lĩnh thuộc Chính Hồng kỳ đệ nhất Tham lĩnh đến , đều là "Cao Ly Tá lĩnh" trong Mãn Châu Bát kỳ. Bởi vậy có thể thấy, nhân khẩu Cao Ly trong Mãn Châu Bát kỳ số lượng tương đối đông.

Trong 《Mãn Châu thị tộc thông phổ》có ghi chép trong Mãn Châu Bát kỳ có tất cả 41 dòng họ Cao Ly, tương ứng với tình huống của Bát kỳ Tá lĩnh thì có 115 loại, mà trong đó chân chính là Bát kỳ chỉ có 20 loại, khoảng 18%. Còn lại phần lớn người Cao Ly trong Bát kỳ đều là Bát kỳ Bao y. Khác với một bộ phận người Hán được đưa vào Kỳ cổ Tá lĩnh, người Cao Ly tiến vào thân phận Bao y đều là Bao y Tá lĩnh. Có thể thấy được, mặc dù Cao Ly có chút khác với Mãn Châu, nhưng không hề bị xem là cùng đẳng cấp với Ni Kham. Về mặt cơ bản, những người Cao Ly thường xuyên được chia vào "Mãn Châu" hoặc "Mãn Châu Bao y". Trong Thông phổ, Càn Long Đế cũng nhắc đến "Mông Cổ, Cao Ly phần nhiều tương tự với Mãn Châu, chiếu theo thức dạng của dòng họ Mãn Châu mà ghi chép".

Mặc dù nói Cao Ly Tá lĩnh không cùng đẳng cấp với Kỳ cổ Tá lĩnh, nhưng trên thực tế, người thuộc Cao Ly Tá lĩnh trình độ xuất sĩ làm quan lại rất thấp, chủ yếu là Thị vệ, Bút thiếp thức trong tầng lớp Bao y, rất hiếm trường hợp được như những Ni Kham thuộc Kỳ cổ Tá lĩnh đảm nhiệm chức quan ở bên ngoài. Tuy nhiên điều này cũng có ngoại lệ, chính là gia tộc Kim thị, thủy tổ là Tân Đạt Lý quy phụ Hậu Kim vào những năm Thiên Thông, góp một phần công lao không nhỏ trong cuộc chiến giữ quân Hậu Kim và Triều Tiên. Cháu nội của ông ta là Thường Minh nhiều lần đảm nhiệm Ngự tiền Đại thần, Lĩnh thị vệ Nội đại thần, Nội vụ phủ Tổng quản. Đây cũng là gia tộc của Thục Gia Hoàng quý phi, về sau được đổi thành "Kim Giai", là một vinh dự hiếm thấy của bộ phận người Cao Ly này.

Tầng lớp

Trong Bát kỳ, có thể chia làm 3 tầng lớp cơ bản: Ngoại Bát kỳ, Nội Bát kỳ (tức Bao y) và Kỳ hạ Gia nô. Ngoại Bát kỳ chính là tức Kỳ phân Tá lĩnh trong Bát kỳ, nguyên là những người tự do thời Thanh trước khi nhập quan, cũng là một giai tầng phổ biến nhất của người Bát kỳ. Từ hậu duệ Quý tộc, hào môn thế gia, đến các con em Bát kỳ bình thường, ở giữa mặc dù có nhiều cấp bậc tước vị khác nhau, nhưng đều thuộc vào tầng lớp này[48]. Tầng lớp này được chia ra 3 phân hệ Bát kỳ chính là Mãn Châu, Mông CổHán Quân.

Nội Bát kỳ chính là Bao y, là tầng lớp phục vụ cho Hoàng thất Ái Tân Giác La, tức là Hoàng đế và các Kỳ chủ, Lĩnh chủ, Tông thất Vương công khác. Tuy nhiên, ngoài việc túc trực phục vụ Hoàng thất, thì Bao y là giai cấp có địa vị trong xã hội Mãn Châu, ngang bằng với tầng lớp Ngoại Bát kỳ, đều có hộ tịch chính thức và căn cứ theo "Luật lệ Đại Thanh", họ đều được xem là "lương dân" trong xã hội. Thượng Tam kỳ Bao y trực thuộc Nội vụ phủ, vì vậy thường gọi là Nội vụ phủ Bao y. Người thuộc tầng lớp Bao y cũng là người Bát kỳ chân chính, bọn họ cũng có thể có nô gia của riêng mình như những người Kỳ phân Tá lĩnh, chính là tầng lớp Kỳ hạ Gia nô (旗下家奴)[49]. Những người vốn thuộc tầng lớp Bao y cũng có thể được phân vào Kỳ phân Tá lĩnh nhờ công lao hoặc là người nhà của Hậu phi đắc sủng, thường là quy vào Mãn Châu hoặc Hán Quân Bổn kỳ (tức Bao y thì nâng lên Mãn Châu Tương Hoàng kỳ hoặc Hán Quân Tương Hoàng kỳ), trường hợp này được gọi là "Xuất kỳ", cũng là một loại của "Đài kỳ"[32]. Tầng lớp này chia làm Bao y Tá lĩnh, Bao y Kỳ cổ Tá lĩnh và Bao y Quản lĩnh, trong đó Bao y Tá lĩnh còn có thể được gọi là Bao y Mãn Châu Tá lĩnh để phân biệt.

Kỳ hạ Gia nô chính là gia bộc của Bát kỳ Đại thần và những Kỳ nhân phổ thông khác, bọn họ không có hộ tịch độc lập mà thuộc về dưới danh nghĩa của chủ nhân, vì vậy mà bị xưng là "Hộ hạ nhân"[50] hoặc "Bát kỳ hộ hạ Gia nhân"[51]. Theo "Luật lệ Đại Thanh", tầng lớp Kỳ hạ Gia nô thuộc về tầng lớp "tiện dân" trong xã hội, hoàn toàn không được tham gia khoa cử, hoặc xuất sĩ làm quan. Thời Thanh sơ, cho dù là binh lính Bát kỳ thông thường cũng có đông đảo Gia nô, phần đông trong số đó đều theo chủ nhân chinh chiến. Sau khi lập được chiến công, có khả năng sẽ được lập hộ tịch, trở thành "Khai hộ nhân", mặc dù tốt hơn so với Kỳ hạ Gia nô, nhưng chung quy vẫn thấp hơn so với người Bát kỳ, trong việc tuyển chọn binh lính, cũng chỉ có thể đảm nhậm những vị trí cực thấp. Thời Thanh trung - hậu kỳ, kế sinh nhai của người Bát kỳ càng lúc càng hiện ra vấn đề, phần đông Kỳ hạ Gia nô bị thả ra, hoặc bán cho những người Hán có tiền, rất nhiều Kỳ nhân không còn tiếp tục sở hữu Gia nô[52]. Mà phần lớn "Khai hộ nhân" cũng được Càn Long cho "Xuất kỳ", tuy nhiên một bộ phận nhỏ "Khai hộ nhân" tồn tại đã lâu, không thể tra nguồn gốc nên không thể đưa vào hàng ngũ Bát kỳ[53].

Nhân khẩu

Thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực, tổ chức Bát kỳ phát triển tương đối nhanh. Trước khi nhập quan, Mãn Châu Bát kỳ có 309 Tá lĩnh, 18 Bán phân Tá lĩnh; Mông Cổ Bát kỳ có 117 Tá lĩnh, 5 Bán phân Tá lĩnh; Hán Quân Bát kỳ có 157 Tá lĩnh, 5 Bán phân Tá lĩnh; Mãn - Mông - Hán Bát kỳ tổng cộng 583 Tá lĩnh, 28 Bán phân Tá lĩnh.

Thời kỳ đầu sau nhập quan, do nhu cầu chiến tranh thống nhất Trung Quốc và bình định các cuộc nổi dậy phản Thanh, Mãn Châu Bát kỳ phát triển nhanh chóng.

  • Mãn Châu Bát kỳ thời Thuận Trị tăng thêm 8 Tá lĩnh, đạt 699 Tá lĩnh thời Khang Hi và 681 Tá lĩnh thời Gia Khánh.
  • Mông Cổ Bát kỳ tăng thêm 11 Tá lĩnh thời Thuận Trị, 76 Tá lĩnh thời Khang Hi và chính thức định chế tổng cộng 204 Tá lĩnh vào năm Ung Chính thứ 2 (1724). Lúc mới lập ra Bát kỳ, có một số lượng người Mông Cổ được phân vào Mãn Châu Bát kỳ, tính đến thời Thanh mạt thì có 35 Tá lính và 2 Bán phân Tá lĩnh vốn là người Mông Cổ nhưng lại xếp vào Mãn Châu Bát kỳ.
  • Hán Quân Bát kỳ có tất cả 206 Tá lĩnh và 3 Bán phân tá lĩnh vào năm Thuận Trị thứ 15 (1658). Đến năm Khang Hi thứ 51 (1712) tăng đến 258 Tá lĩnh, 1 Bán phân Tá lĩnh. Đến năm Ung Chính thứ 12 (1734), chính thức định chế 270 Tá lĩnh. Về sau, vì kế sinh nhai của Bát kỳ càng lúc càng khó khăn, một bộ phận người thuộc Hán Quân đã xuất kỳ, trở thành dân nhân[note 10]. Đến năm Càn Long thứ 15 (1790), Hán Quân Tá lĩnh giảm còn 266, từ đó về sau không thay đổi nữa.

Đặc thù của chế độ Bát kỳ là lấy Kỳ quản lý người, cũng là lấy Kỳ quản lý binh. Phàm là người được đãi vào một Kỳ đều có thể làm binh. Tuy nhiên, hạn ngạch binh lính của nhà Thanh là có giới hạn, theo số lượng người Mãn càng lúc càng tăng, không phải người Mãn nào cũng được mặc giáp, mà càng về sau tỉ lệ người Mãn được mặc giáp càng ngày càng thấp. Ban đầu, những Kỳ nhân nhàn tản mặc đều được ban cho ruộng đất nhưng vì bị trói buộc bởi chế độ mà không tiện canh tác, chỉ có thể đem cho tá điền thuê hoặc đem đi cầm cố, dẫn đến tình cảnh của những người Bát kỳ ở tầng lớp dưới càng ngày càng khó khăn, lâm vào trạng thái bần cùng[54]. Vì vậy đến những năm Càn Long, vấn đề kế sinh nhai của người Bát kỳ hiện ra rõ ràng, để giảm bớt đi vấn đề, một bộ phận người thuộc Hán Quân đã xuất kỳ, trở thành dân nhân[55].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bát_Kỳ http://jds.cass.cn/UploadFiles/zyqk/2011/10/201110... http://blog.sina.com.cn/s/blog_4c26e27b0101flae.ht... http://blog.sina.com.cn/s/blog_4c26e27b0102x1ez.ht... http://www.iqh.net.cn/info.asp?column_id=3974 http://www.iqh.net.cn/manage/uploadfiles/2008222/2... http://www.qinghistory.cn/qsyj/ztyj/ztyjzz/2009-11... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/181028 http://book.douban.com/subject/1024528/ http://books.google.com/books/about/The_Manchu_Way... http://m.wrlwx.com/Txt/XiaoShuo-159257.html